Nhổ răng cho bệnh nhân nghiện rượu

Download

I - CHỨNG NGHIỆN RƯỢU VÀ MỘT SỐ BIẾN CHỨNG DO RƯỢU
Alcol ethylic gây trầm cảm hệ thần kinh trung ương, được hấp thu nhanh và chuyển hóa thành
acetaldehyd bởi men alcoldehydrogenase tại gan với tỷ lệ 7 – 10g/giờ. Mức độ dung nạp rượu rất
biến đổi ở từng cá nhân. Tình trạng nghiện rượu xảy ra khi người uống không thể từ bỏ được rượu và
có xu hướng tăng dần lượng rượu vào cơ thể.
1. Nồng độ rượu trong máu
0,5g/l (khoảng 10,85mmol/l): không có triệu chứng.
0,5 – 1,5g/l (khoảng 11 – 32,5mmol/l): sảng, say.
0,8g/l: là nồng độ chấp nhận cho phép lái xe (đối với pháp y).
1,5 – 3g/l (khoảng 32,5 – 65mmol/l): rối loạn thị giác và phát âm.
> 3g/l (khoảng > 65mmol/l): hôn mê ngày càng tăng dần đến ngộ độc.
Chứng nghiện rượu gặp ở nam nhiều hơn ở nữ gấp 3 – 4 lần. Yếu tố thuận lợi phát sinh ra chứng
nghiện rượu: văn hóa, xã hội, nghề nghiệp,... và có thể có một số đặc tính di truyền.
2. Hậu quả độc hại của rượu
2.1. Biến chứng tiêu hóa
– Viêm dạ dày cấp hay mạn, loét dạ dày - tá tràng.
– Hội chứng kém hấp thu, rối loạn dinh dưỡng.
– Bệnh xơ gan.
2.2. Biến chứng tim mạch
– Tăng huyết áp động mạch.
– Suy tim, loạn nhịp.
– Bệnh cơ tim.
Ngoài ra còn có các biến chứng như rối loạn chuyển hóa, rối loạn tâm thần vận động, thần kinh -
cơ, viêm đa dây thần kinh, viêm dây thần kinh thị giác, bệnh cơ, thiếu máu nhược sắt do xuất huyết
dạ dày, thiếu máu tế bào khổng lồ do thiếu acide folic, thiếu máu nguyên bào sắt, thiếu tiểu cầu.
II - CÁC NGUY CƠ CÓ THỂ XẢY RA KHI NHỔ RĂNG HOẶC PHẪU THUẬT
1. Nguy cơ chảy máu
– Gan là nơi tổng hợp 6 yếu tố đông máu: prothrombin (yếu tố II), globulin (yếu tố VII, VIII),
accelerin (yếu tố V), fibrinogen (yếu tố I), yếu tố X. Ngoài ra, gan là nơi dự trữ vitamin K cần thiết
cho quá trình thành lập prothrombin và yếu tố VII, IX, X

– Chứng nghiện rượu sẽ gây xơ gan và những biến chứng huyết học tiềm ẩn đưa đến nguy cơ
gây chảy máu, thường là do thiếu hụt prothrombin.
– Vì vậy, trước khi nhổ răng cho người nghiện rượu phải được khám ở bác sĩ chuyên khoa nội
tiêu hóa và nếu có rối loạn đông máu để lập kế hoạch điều trị chuẩn bị cho bệnh nhân trước nhổ răng
hay phẫu thuật. Vitamin K ở đây trở nên vô hiệu nên phải truyền nhiều máu tươi cho bệnh nhân.
Việc cầm máu tại chỗ cần phải được thực hiện ngay sau khi can thiệp nhổ răng bằng cách dùng
Spongel cho vào ổ răng và khâu lại, xét nghiệm công thức máu, thời gian chảy máu, thời gian đông
máu cũng cần thiết nhưng vẫn phải đề phòng chảy máu sau nhổ răng mặc dù kết quả xét nghiệm bình
thường.
2. Nguy cơ nhiễm trùng
– Ở người nghiện rượu (đặc biệt ở người nghiện rượu bị xơ gan), có sự chậm lành thương và có
nguy cơ bội nhiễm. Vì vậy, phải cho thuốc kháng sinh, không phải để che chở cho thời kỳ hậu phẫu
khỏi nhiễm trùng (vì đã có nhiễm trùng), mà để ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng, đặc biệt ở thể địa
của người nghiện rượu có hàng rào bảo vệ đã suy kém.
– Dùng thuốc kháng sinh bằng đường uống đôi khi gây cho người nghiện rượu những rối loạn
tiêu hóa. Vì vậy, nên cho họ dùng kháng sinh tiêm phổ rộng.
3. Khó tê
Trên lâm sàng, thường có nhận xét là thuốc tê ít tác dụng cho người nghiện rượu. Với những liều
thuốc tê mạnh, người ta cũng không tìm được sự mất cảm giác cho bệnh nhân. Do đó, nên tham khảo
ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có những chuẩn bị cho bệnh nhân trước can thiệp, trường hợp cần
thiết có thể dùng phối hợp với các thuốc tiền mê. Khi can thiệp nên chọn gây tê vùng và loại thuốc tê
có tác động mạnh; dù thế, đôi khi bệnh nhân vẫn thường giãy giụa, khó kiềm chế được trên ghế nha
khoa. Nếu dự liệu phải cần một thời gian dài để can thiệp nhổ răng cho họ thì nên thực hiện tại một
trung tâm phẫu thuật, nơi có đủ phương tiện để cấp cứu và săn sóc sau nhổ răng.
Ngoài ra người nghiện rượu còn có nguy cơ ngộ độc do quá liều, nhất là khi sử dụng các thuốc
chuyển hóa tại gan do suy giảm chức năng gan, nguy cơ có tác động tương tác giữa rượu và một số
thuốc an thần được sử dụng trước phẫu thuật làm tăng tiềm lực an thần và giảm phản xạ nôn. Cuối
cùng, người nghiện rượu có thể có những triệu chứng của cai nghiện khi giảm đột ngột lượng rượu
uống trước can thiệp, biểu hiện bằng các triệu chứng như: bứt rứt, rung giật, toát mồ hôi hoặc nặng
hơn là mê sảng, ảo giác và suy tuần hoàn gây trở ngại cho can thiệp.
III - CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH MỘT BỆNH NHÂN NGHIỆN RƯỢU
1. Tiền sử
Một bệnh nhân đến xin nhổ răng, có thể nghi ngờ bệnh nhân có nghiện rượu hay không thường
căn cứ vào nghề nghiệp, tính khí, cách cư xử của bệnh nhân và đặt ra những câu hỏi tương tự như
sau để phát hiện ra người nghiện rượu:
– Bạn làm nghề gì? Bạn có biết uống rượu không?
– Mỗi ngày, bạn uống bao nhiêu rượu?
– Bạn có từng bị viêm gan?
– Bạn có khi nào bị chứng vàng da không?
– Khi bị đứt tay hay chảy máu, bạn có bị tình trạng khó cầm máu không?
– Bạn đã từng nhổ răng chưa? Lần nhổ răng gần nhất cách đây bao lâu? Nếu đã từng nhổ răng thì
bạn có bị chảy máu kéo dài sau nhổ răng không?

– Bạn có bị bệnh thiếu máu không?
Trong cách đặt câu hỏi, cần cách giao tiếp tế nhị của người thầy thuốc với bệnh nhân, không nên
làm bệnh nhân tự ái khó chịu. Như thế, bệnh nhân sẽ trả lời không đúng sự thật.
2. Khám lâm sàng
– Tổng trạng suy yếu.
– Chứng xơ gan do nghiện rượu nhiều khi không tồn tại các triệu chứng trong nhiều năm, có thể
chỉ có những biểu hiện: suy nhược, chán ăn, sút cân, liệt dương ở nam giới, hoặc rối loạn kinh
nguyệt ở nữ giới.
– Khám gan: gan to với bờ gan cứng và sắc.
– Xuất huyết tiêu hóa, vàng da do tăng bilirubin, cổ trướng là biến chứng của xơ gan. Khi bệnh
nhân có thêm những biến chứng này thì thời gian sống thêm trung bình không quá 5 năm.
3. Cận lâm sàng
Đề nghị những xét nghiêm cận lâm sàng về chức năng gan và chức năng đông máu:
– Đánh giá chức năng gan: định lượng men SGOT, SGPT, đo bilirubin trong máu (trực tiếp, gián
tiếp, toàn phần).
– Thời gian prothrombin, đo lượng prothrombin.
– Thời gian máu đông (TC).
– Thời gian máu chảy (TS).
– Thời gian Quick (TQ).
– Thời gian Cephalin – Kaolin (TCK): thử nghiệm để phân biệt thiếu yếu tố đông máu nào.
– Công thức máu toàn bộ, đếm số lượng tiểu cầu.
IV - CHUẨN BỊ NHỔ RĂNG HAY PHẪU THUẬT CHO NGƯỜI NGHIỆN RƯỢU
Sau khi chẩn đoán xác định một bệnh nhân nghiện rượu, muốn nhổ răng hoặc tiến hành phẫu
thuật cho bệnh nhân cần phải chuẩn bị bệnh nhân cẩn thận, nhất là trong trường hợp bệnh nhân đã có
biến chứng xơ gan hay xuất huyết tiêu hóa gây ra một tình trạng rối loạn đông máu hoặc thiếu máu
tiềm ẩn. Bác sĩ nha khoa nên tiến hành các bước trước khi can thiệp trên bệnh nhân:
– Hoãn can thiệp trong lần gặp đầu tiên.
– Hướng dẫn và chỉ định cho bệnh nhân làm một số xét nghiệm cần thiết như đã đề cập ở trên,
tối thiểu cũng nên làm xét nghiệm tìm thời gian máu chảy (TS), và thời gian máu đông (TC) và thời
gian prothrombin.
– Hướng dẫn bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa để điều trị bệnh khác, nhất là gan trước khi nhổ
răng.
– Trong trường hợp xét nghiệm thấy có tình trạng thiếu các yếu tố đông máu, nên gửi bệnh nhân
đến bác sĩ chuyên khoa huyết học để điều trị. Chỉ nên nhổ răng hoặc phẫu thuật cho bệnh nhân sau
khi có xác nhận của bác sĩ chuyên khoa huyết học là bệnh nhân đang trong tình trạng ổn định có thể
cho phép nhổ răng hay phẫu thuật.
– Bác sĩ ra y lệnh cấm bệnh nhân uống rượu trong vòng 24 giờ trước khi nhổ răng. Cho đơn
thuốc kháng sinh ngừa bội nhiễm uống trước và sau khi nhổ răng. Khi tiến hành nhổ răng phải chuẩn
bị đầy đủ các dụng cụ cầm máu (kẹp cầm máu, kim, chỉ khâu) và các vật liệu để cầm máu tại chỗ

(spongel, bone wax, surgical, gelfoam),... Khi thực hiện nhổ răng, nên giảm tối thiểu chấn thương.
– Ngay sau khi nhổ nên tiến hành các biện pháp cầm máu tại chỗ: nhồi spongel vào ổ răng có tác
dụng tạo cục máu đông, sau đó khâu và cho bệnh nhân cắn chặt gòn,... Nên cho bệnh nhân ngồi lại
10 – 15 phút để quan sát đánh giá quá trình đông máu tại chỗ. Sau khi nhổ răng, dặn bệnh nhân chế
độ ăn uống thích hợp và cũng không được uống rượu trong vòng 1 hay 2 ngày sau nhổ răng.

Không có đánh giá nào cho sản phẩm này.

Viết đánh giá

Chú ý: Không sử dụng các định dạng HTML!
    Chưa tốt           Tốt

Sản phẩm Liên quan (4)

© Copyright 2019-2024 Big Dental.

Đăng ký nhận tin

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được các thông báo về khuyến mại, chương trình giảm giá của chúng tôi

Địa chỉ

Big Dental

Dr San