Cấu trúc và sinh lý ngà răng

Download

CẤU TRÚC VÀ SINH LÝ CỦA NGÀ RĂNG
Thành phần khoáng hóa của cơ quan ngà tủy là một mô chiếm từ 1 đến 2µm đường
kính ống ngà. Các ống ngà ở thân răng đi từ men đến ngà, có chiều dài từ 2,5 đến
3,5mm. Chúng chứa các nhú nguyên bào ngà hay phần kéo dài của các nhú, và
dịch mô. Các ống ngà có một lớp khoáng hóa cao nằm gần như suốt dọc chiều dài,
đó là ngà quanh ống. Ngà quanh ống được tạo thành như một cấu trúc nguyên phát
ở phần lớn ngà quanh tủy; đây là cấu trúc có mức khoáng hóa cao được hình thành
trong quá trình tạo ngà. Không thấy ngà quanh ống trong phần ngà gần tủy nhất ở
răng mới mọc. Đặc điểm này quan trọng trong nha khoa phục hồi, bởi vì như vậy,
ở các răng được sửa soạn sâu sẽ chứa thành phần bào tương nhiều hơn là khuôn
ngà khoáng hóa. Trên thực tế, khoảng 80% sàn phía tủy của sửa soạn là các lỗ mở
của ống ngà.
Có thể dễ dàng phân biệt ngà quanh ống với một thành phần khoáng hóa khác của
ngà răng, đó là ngà gian ống. Ngà quanh ống chứa ít collagen, trong khi đó ngà
gian ống có khuôn collagen dày đặc. Ngà gian ống bị đan chéo bởi nhiều phân
nhánh có kích thước khác nhau của các ống ngà. Giữa các nhánh có các mối nối.
Mật độ ống ngà và kiểu phân nhánh tùy thuộc từng khu vực ngà thân răng. Càng xa
ống ngà, càng thấy phân nhánh nhiều hơn.
Ở những khu vực không thuộc phần ngà nguyên phát, tức là ở phần ngà gần tủy
nhất của răng mới mọc, có sự phát triển dần dần của ngà quanh ống. Ở khối ngà
chính, sự phát triển của ngà quanh ống là những thay đổi có liên quan đến tuổi
hoặc vì những lý do khác, ví dụ như các điều trị phục hồi, sẽ dẫn đến sự bít kín các
ống ngà. Hơn nữa, các sợi thần kinh đi một đoạn ngắn vào khoảng quanh nguyên
bào ngà của nhiều ống ngà ở thân răng. Chúng có ý nghĩa đối với các phản ứng quá
cảm ngà và cũng có chức năng điều hòa sự phát triển của ngà quanh ống. Thêm

vào đó, khoảng quanh nguyên bào ngà cũng là vị trí thích hợp đối với bất cứ sự
thay đổi sinh lý nào của ngà nguyên phát trong các điều trị phục hồi. Dịch mô
trong ống ngà ở ngà quanh tủy giữ vai trò quan trọng khi có bất kỳ phản ứng sinh
hóa nào xảy ra.
Các ống ngà bị bít kín, được gọi là ngà xơ, có phản ứng khác đối với việc xoi mòn
so với ngà lành. Điều này dẫn đến những thay đổi ở mạng lưới collagen khi tiếp
xúc với acid xoi mòn. Có thể thay đổi thời gian xoi mòn để tạo được một lớp lai
collagen và resin thích hợp. Độ ẩm của lớp lai quan trọng đối với sự thấm nhập
resin vào lưới collagen. Trên lâm sàng không thể kiểm soát được độ ẩm vì có sự
khác biệt về tỷ lệ ống ngà-gian ống ngà, về mức độ bít kín ống ngà trên cùng một
bề mặt sửa soạn.
Độ thẩm thấu của ngà là một đặc điểm quan trọng có ảnh hưởng đến mức độ phản
ứng của tủy trong nhiều tình huống lâm sàng. Độ thẩm thấu của ngà thay đổi theo
tuổi của răng, mức độ khoáng hóa của ống ngà, những thay đổi mô của ngà, khu
vực ngà, tỷ lệ ống ngà-gian ống ngà và mọi yếu tố làm giảm dòng chảy dịch trong
ống ngà. Như vậy chắc chắn là những khác biệt lớn về số lượng ống ngà và kiểu
phân nhánh ở các vùng khác nhau của ngà thân răng cũng dẫn đến những khác biệt
đáng kể về độ thẩm thấu.
Mặt tiếp giáp giữa ngà thứ phát sinh lý và ngà thứ ba có cấu trúc không đều và
thường không có ống ngà, tạo nên một rào chắn. Rào chắn này, tương ứng với
“khoảng hyalin” ở “vùng chết”, làm giảm, có khi làm mất luôn tính thấm của ngà
do các ống ngà thuộc ngà nguyên phát không đi qua mặt ngà tiếp giáp. Loại phản
ứng này quan trọng đối với việc bảo vệ tủy.
Số lượng ống ngà của một vùng tùy thuộc vị trí của vùng đó. Ở ngà thân răng, thay
đổi từ 8000 đến 58000/mm2 . Những khác biệt này quan trọng trong việc đánh giá
các phản ứng sinh học đối với điều trị phục hồi. Người ta thấy số lượng ống ngà
thấp nhất ở vùng ngoại vi, đặc biệt là dưới các rãnh mặt nhai, và cao nhất ở vùng
sừng tủy và bề mặt trần tủy. Mức độ ẩm của ngà hở cũng phụ thuộc vào tỷ lệ ống
ngà-gian ống ngà. Trên cùng một diện tích, số lượng ống ngà mở càng cao thì ngà
càng ẩm ướt. Tương quan này quan trọng đối với việc dán resin vào ngà.
Những thay đổi đáng chú ý về mật độ ống ngà có một số ý nghĩa về mặt lâm sàng.
Ví dụ tỷ lệ ống ngà-gian ống ngà ở đáy xoang phía tủy khác biệt rõ ràng giữa
xoang nông và xoang sâu dẫn đến khả năng gây tổn thương tủy khác nhau. Tỷ lệ
này cũng chịu ảnh hưởng của tuổi răng, do quá trình bồi đắp ngà quanh ống làm
thu hẹp hoặc bít kín luôn các ống ngà.

Các ống ngà phân nhánh một cách khác nhau, tùy thuộc vào vị trí, và có lẽ điều
này có ảnh hưởng lớn tới một số thủ thuật lâm sàng, rõ rệt trong nha khoa dán. Ở
ngà thân răng, sự phân nhánh đặc trưng nhất là ở vùng ngà ngoại vi, với độ dày
250µm, ở đây người ta thấy các nhánh tận có dạng chữ Y điển hình. Các nhánh tận
có kích thước tương đối lớn, đường kính khoảng 0,5 đến 1µm. Một kiểu phân
nhánh khác chiếm ưu thế ở ngà thân răng là các nhánh vi quản. Đường kính của
chúng chỉ khoảng 50 đến 100nm và có lẽ có vai trò quan trọng đối với những thay
đổi sinh lý ở ngà răng hơn là đối với việc tăng lực dán do quá trình thấm nhập của
resin. Ở ngà chân răng, các nhánh nhỏ, đường kính từ 300 đến 700nm, chiếm ưu
thế, mật độ ống ngà thấp, ví dụ mật độ ống ngà ở vùng gần rãnh mặt nhai của răng
cối và răng cối nhỏ tương tự hoặc thấp hơn so với vùng cổ răng.
Ngà vùng cổ răng, nơi tiếp nối men-xê măng, thường được xê măng che phủ, tuy
nhiên ở một số răng cũng có thể không thấy xê măng ở vùng này. Khác biệt giữa
ngà thân và ngà chân được mô tả tương đối rõ nét. Cấu trúc của xê măng và ngà
phía dưới tiếp nối men-xê măng có thể tạo nên một dạng lớp lai kém chất lượng
sau khi xoi mòn bằng acid do ít hoặc không có các ống ngà và các phân nhánh.
Điều này có thể dẫn đến việc hở miếng trám, bong cement, tích lũy mảng bám, và
phát triển sâu tái phát. Việc thiếu các ống ngà và phân nhánh ở hầu hết ngà ngoại
vi vùng cổ răng và sự hiện diện của xê-măng không tế bào sẽ dẫn đến hậu quả là
lớp lai tương đối mỏng và không có đủ các lưu vi cơ học cho vật liệu resin lót phục
hồi hoặc xi măng gắn.
Khác biệt về độ khoáng hóa
Khối ngà quanh tủy ở thân răng có độ khoáng hóa tương đối đồng nhất. Có hai
vùng kém khoáng hơn những nơi khác, đó là: ngà vỏ ở sát men răng và lớp ngà có
độ dày khoảng từ 150 đến 200µm, lớp này cách ranh giới ngà-tiền ngà một khoảng
cách không nhất định tùy thuộc vào tuổi của răng, tức là vào độ dày của lớp ngà
thứ phát sinh lý. Lớp này chỉ có ở ngà thân răng và tồn tại suốt đời sống của răng.
Các nhà lâm sàng cần lưu ý tới độ kém khoáng hóa tương đối của ngà vỏ trong các
tổn thương sâu răng có khả năng phát triển qua tiếp nối men–xê măng.
Trên các lát cắt ở răng người trẻ, khử khoáng và nhuộm màu các
glycosaminoglycan, có thể thấy vùng có độ nhiễm màu khác biệt tương ứng với
vùng kém khoáng hóa gần lớp tiền ngà. Có hai vùng ngà nhiễm màu nhiều hơn các
vùng khác. Vùng nhiễm màu ở ranh giới tiền ngà do khuôn ngà gian ống nhiễm
màu đậm đặc, điều này phản ánh sự khoáng hóa vùng gian ống ngà trong quá trình
tạo ngà thứ phát sinh lý. Mức độ nhiễm màu ở tiền ngà thay đổi, có lẽ nó phản ánh

kiểu khoáng từng lớp. Vùng viền nhiễm màu, nằm ở phía ngoài lớp tiền ngà tương
ứng với vùng phía ngoài kém khoáng hóa hơn, trên vi xạ đồ là một vùng tối. Các
thành phần của ống ngà ở vùng này nhiễm màu đậm đặc, thể hiện hoạt động trong
các ống ngà ở vùng ngà quanh ống khoáng hóa nhiều để tạo ngà thứ phát.
Như vậy, có hai mặt khoáng hóa ở ngà thân răng mới mọc, một mặt ở vị trí tiếp
giáp ngà-tiền ngà liên quan đến sự hình thành ngà thứ hai và có thể là cả ngà thứ
ba. Mặt khoáng hóa thứ hai không rõ nét như ở ranh giới ngà-tiền ngà, nằm phía
ngoại vi hơn, phản ánh sự hình thành ngà quanh ống được coi như những cấu trúc
thứ phát ở răng mới mọc. Cả hai đều quan trọng đối với những thay đổi mô ở ngà
răng khi can thiệp điều trị. Ở răng người lớn, hai vùng nhiễm màu đậm đặc này gần
nhau hơn, cho thấy rằng trong quá trình tạo ngà thứ hai sinh lý, sự khoáng hóa ngà
quanh ống không bị tụt hậu nhiều so với khoáng hóa khuôn gian ống ở ranh giới
tiền ngà.
Người ta không rõ về bản chất và ý nghĩa của dải kém khoáng hóa nằm ở phần ngà
gần tủy thân. Có thể dải này thể hiện lớp ngà được hình thành trong khoảng thời
gian 3 đến 4 năm sau khi quá trình tạo thân răng đã được hoàn tất nhưng còn nằm
trong xương hàm và chưa mọc lên. Dải ngà gian ống kém khoáng hóa này cũng có
đường kém khoáng hóa ở mức độ cao, ở phần ngà quanh ống, và được coi là cấu
trúc nguyên phát. Đây có thể là vùng đặc biệt dễ tổn thương ở ngà răng người trẻ
khi can thiệp điều trị do tỷ lệ ống ngà-gian ống ngà cao. Nó cũng là có tỷ lệ nước
cao và phản ứng một cách đặc biệt, khó kiểm soát trong việc tạo lớp lai trong các
kỹ thuật phục hồi dán. Phần ngoại vi của vùng kém khoáng hóa này, thể hiện một
mặt khoáng hóa ở ngà nguyên phát, có thể có ý nghĩa về mặt lâm sàng trong việc
sử dụng các vật liệu phục hồi.
Sau khi răng đã mọc lên, ngà thứ cấp sinh lý được tạo từ từ, với độ khoáng hóa
trung bình, không có kiểu ngà quanh ống khoáng hóa cao như ở ngà nguyên phát.
Ngà quanh ống có thể được hình thành sau, như một thay đổi liên quan đến tuổi
tác, hay là hậu quả của sâu răng và các can thiệp điều trị.
Các yếu tố tăng trưởng thể hiện ở khuôn ngà. Sự giải phóng các yếu tố này trong
quá trình điều trị hay quá trình tiến triển tổn thương sâu răng có thể mang lại
những hiệu ứng sinh học lớn trong việc lành thương nhờ hoạt động như các phần
tử báo hiệu. Các yếu tố tăng trưởng cũng có thể được giải phóng trong quá trình
khử khoáng khi sâu ngà. Sự hiện diện của các phần tử hoạt động sinh học này làm
nổi bật mối liên quan mật thiết giữa hoạt động tế bào và khuôn do chúng tiết ra. Có
lẽ các phần tử sinh học này có vai trò quan trọng trong việc điều hòa các phản ứng

tủy đối với các tổn thương, sâu răng, sửa soạn cùi, điều trị phục hồi, chúng có thể
tạo cơ sở cho các hoạt động sinh học để sửa chữa mô răng.
Các khoảng gian cầu là các đảo kém hoặc không được khoáng hóa ở ngà nguyên
phát, có thể thấy chúng bất kỳ chỗ nào ở ngà thân răng, thường gặp ở gần các hố
rãnh và ngay sát ngà vỏ. Chưa có kết luận về ý nghĩa của chúng trong điều trị phục
hồi, song chúng có thể ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng ở ngà
răng hoặc tác động lên hoạt động và tiến triển sâu răng.
Ngà răng ở đỉnh múi và rìa cắn có một số đặc điểm cấu trúc đặc trưng có thể quan
trọng trong nha khoa phục hồi, đặc biệt ở tổn thương xoang loại IV. Các vùng
trung tâm của ngà răng không được khoáng hóa có thể có hình ảnh đồng nhất với
vùng đỉnh múi–rìa cắn trên xạ đồ vi thể. Tùy thuộc vị trí lát cắt qua múi răng, có
thể thấy vùng ngà khoáng hóa cao bị bao bọc bởi ngà kém khoáng hóa, ngay cả ở
răng lành mạnh của người trẻ. Các đặc điểm cấu trúc đặc biệt này có thể diễn tả vết
tích của sự di chuyển sừng tủy ở vùng rìa cắn và đỉnh múi. Đây là những biểu hiện
đa dạng bình thường về cấu trúc, không liên quan đến những thay đổi trong mòn
răng. Chúng có thể thể hiện những vùng dễ tổn thương trong khi xử lý các răng cửa
bị gãy cũng như trong quá trình phát triển và điều trị các tổn thương xoang loại IV
bởi sự hiện diện của một đường dẫn thuận lợi đến tủy răng.

Không có đánh giá nào cho sản phẩm này.

Viết đánh giá

Chú ý: Không sử dụng các định dạng HTML!
    Chưa tốt           Tốt

Sản phẩm Liên quan (4)

© Copyright 2019-2024 Big Dental.

Đăng ký nhận tin

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được các thông báo về khuyến mại, chương trình giảm giá của chúng tôi

Địa chỉ

Big Dental

Dr San