Thần kinh VII

Download
THẦN KINH VII
 
Thần kinh VII là thần kinh vận động, chi phối mọi hoạt động biểu cảm của khuôn mặt. Về phương diện giải phẫu, đường đi của thần kinh VII khá dài và liên quan nhiều chuyên khoa khác nhau: thần kinh, tai mũi họng và răng hàm mặt; trong đó, chuyên khoa răng hàm mặt liên quan trực tiếp đến đoạn ngoài sọ thần kinh VII.
 
Trong phẫu thuật hàm mặt, việc xác lập đường vào phẫu thuật hoặc các kỹ thuật phẫu thuật nhằm bảo tồn thần kinh VII là yếu tố luôn được đặt ra. Do đó giải phẫu thần kinh VII được trình bày chi tiết, nhất là đoạn ngoài sọ.
 
Thần kinh mặt được tạo nên bởi hai rễ: rễ vận động, lớn (thần kinh mặt) và một rễ nhỏ hơn gọi là thần kinh trung gian. Sau khi thoát ra khỏi não, thần kinh VII đi qua hố sọ sau đến lỗ ống tai trong chui vào xuơng đá. Trong xương đá, thần kinh VII đi gấp khúc thành 3 đoạn :
 
-Đoạn mê đạo : Thần kinh chạy thẳng góc với trục phần đá xương thái dương, đi giữa hai phần ốc tai xương và tiền đình xương của tai trong.
 
-Đoạn đoạn nhĩ : Thần kinh chạy song song với trục phần đá xương thái dương và nằm ở thành trong hòm nhĩ. Ở chỗ nối đoạn I và đoạn II thần kinh mặt gập góc gọi là gối thần kinh mặt và đây là vị trí hạch gối.
 
-Đoạn chũm : Thần kinh bẻ quặt xuống và chui qua lỗ trâm chũm để thoát ra ngoài.
 
Thần kinh VII cho các nhánh bên trong xương đá và đoạn ngoài sọ như sau:
 
Nhánh bên đoạn trong xương đá
 
-Thần kinh cơ bàn đạp: có tác dụng làm chùng màng nhĩ và giảm áp lực tai trong
 
-Thần kinh đá lớn tách từ hạch gối theo lỗ thần kinh đá lớn ở mặt trước
 
-xương đá để trở vào sọ. Thần kinh đá lớn sẽ kết hợp với thần kinh đá sâu, nhánh của thần kinh IX để tạo nên thần kinh ống chân bướm.
 
-Nhánh nối với đám rối nhĩ.
 
-Thừng nhĩ đi qua mặt trên mặt trong màng nhĩ, qua khe đá trai để xuống nối với thần kinh lưỡi (nhánh của thần kinh V3).
 
Nhánh bên đoạn ngoài sọ:
 
-Thần kinh tai sau đến các cơ tai, cho ra nhánh chẩm đến bụng chẩm cơ trên sọ.
 
-Nhánh cơ nhị thân đến bụng sau cơ nhị thân, tách ra nhánh cơ trâm móng và nhánh nối với thần kinh thiệt hầu.
 
-Nhánh lưỡi đến gốc lưỡi nhận cảm giác niêm mạc, nhánh này có thể không hiện diện.
 
Khi đến tuyến mang tai, thần kinh VII chia làm hai nhánh : nhánh thái dương mặt và nhánh cổ mặt (hình 1 - 52), các nhánh tận xuất phát từ hai nhánh này bao gồm
 
-Nhánh thái dương
 
-Nhánh gò má
 
-Nhánh má
 
-Nhánh bờ hàm dưới
 
-Nhánh cổ
 
Các nhánh này đến vận động các cơ bám da mặt và cơ bám da cổ.
 
Đặc điểm giải phẫu thần kinh mặt - đoạn ngoài sọ
 
-Đoạn trước tuyến mang tai
 
Sau khi thoát ra khỏi lỗ trâm chũm, dây VII chạy được khoảng 1cm, rồi lách qua khe cơ trâm móng - nhị thân đi theo hướng xuống dưới, ra trước và ra ngoài để đi vào giữa tuyến mang tai; chia tuyến mang tai làm 2 thùy : thùy nông và thùy sâu. Đoạn trong tuyến mang tai
 
Dây VII sau khi đi vào tuyến mang tai 1 đoạn 0.5 - 1cm thì tách ra 2 nhánh:
 
-Nhánh thái dương mặt
 
-Nhánh cổ mặt
 
Nhánh thái dương mặt cho 2 - 3 nhánh tận là:
 
-Nhánh thái dương
 
-Nhánh gò má
 
-Nhánh miệng
 
Nhánh cổ mặt cũng cho 2 -3 nhánh tận:
 
-Nhánh miệng
 
-Nhánh bờ hàm duới
 
-Nhánh cổ
 
Như vậy nhánh miệng có thể xuất phát từ 2 nhánh chính hoặc chỉ có một nhánh xuất phát từ 1 trong 2 nhánh chính.
 
Đoạn sau tuyến mang tai
 
Đoạn sau tuyến mang tai bao gồm các nhánh tận : nhánh trán, nhánh gò má, nhánh má, nhánh bờ hàm dưới và nhánh cổ tính từ khi thoát ra khỏi tuyến.
 
a.Nhánh bờ hàm dưới:
 
Nhánh bờ hàm dưới là nhánh khá lớn, xuất phát từ thân chính cổ mặt. Nó có từ 1 -3 nhánh, phân chia và nối tiếp nhau tạo thành 3 -5 nhánh tận (hình 1 - 53).
 
về đặc điểm giải phẫu nhánh bờ hàm dưới, công trình nghiên cứu của Dingman và Grabb (1962) là công trình có giá trị nhất. Ở đây, các đặc điểm giải phẫu nhánh bờ hàm dưới được mô tả rất chi tiết . Qua 100 ca phẫu tích, tác giả có một số kết luận như sau:
 
-81% trường hợp, nhánh bờ hàm dưới ở phía sau hoặc gần với vị trí động mạch mặt bắt chéo cành ngang xương hàm dưới và nằm về phía trên bờ dưới xương hàm.
 
-19% còn lại, thần kinh đi vòng xuống dưới, điểm thấp nhất cách bờ hàm dưới 1cm.
 
-Phía trước điểm bắt chéo giữa động mạch mặt và bờ dưới xương hàm dưới,
 
-100% nhánh chi phối cơ hạ môi dưới nằm trên bờ dưới xương hàm dưới.
 
-Tất cả những nhánh nằm dưới bờ xương hàm dưới ở phía trước điểm bắt chéo động mạch mặt và xương hàm dưới chi phối cơ bám da cổ. Tuy nhiên, vì các sợi trước cơ bám da cổ luôn liên tục với các sợi dưới của cơ vuông môi duới; các cơ này lại co thắt như một đơn vị nên thường bị nhầm lẫn.
 
-98% trường hợp, nhánh bờ hàm dưới đi ngang trên tĩnh mạch mặt sau và nó có thể nhận diện dễ dàng tại vị trí này. 100% trường hợp, nhánh bờ hàm dưới đi trên tĩnh mạch mặt trước. Thần kinh nằm trên động mạch mặt, có thể ngay phía trước hoặc ngay phía sau và cũng có thể ngay trên động mạch. Hạch dưới hàm nằm ngay trên động mạch và là điểm mốc hữu ích.
 
-5% trường hợp, nhánh bờ hàm dưới cho nhánh nối với nhánh má.
 
-67% trường hợp nhánh bờ hàm dưới phân hai nhánh, 21% chỉ có một nhánh, 8% phân ba nhánh và 3% nhiều hơn ba nhánh.
 
Wilfried Schilli, bổ sung một số đặc điểm giải phẫu nhánh bờ hàm dưới như:
 
-Nhánh bờ hàm dưới có thể nằm trên hoặc dưới động mạch mặt.
 
-Nhánh bờ hàm dưới có thể nằm trên cân cổ nông hoặc dưới cân cổ nông, một số ít trường hợp nó có thể nằm xen lẫn trong cơ bám da cổ. Do đó cần thận trọng khi cắt lớp cơ bám da cổ.
 
Nhánh bờ hàm dưới thường tổn thương nhất trong khi thực hiện các phẫu thuật kết hợp xương hàm dưới vùng cành ngang hay góc hàm. Do tính chất đa dạng về giải phẫu, khi phẫu thuật kết hợp xương hàm dưới vùng cành ngang hay góc hàm, phẫu thuật viên cần chú ý thì phẫu tích nhánh bờ hàm dưới thần kinh VII.
 
b.Nhánh thái dương:
 
Nhánh thái dương tách từ thân chính thái dương mặt, thường tách trong tuyến (88%), đôi khi tách từ ngoài tuyến. Sau khi tách, thần kinh này chạy lên trên, bắt chéo cung tiếp rồi tiếp tục lên trên và ra trước. Dây thái dương nằm trong một lớp tổ chức liên kết dày, trên cân nông cơ thái dương. Tại vị trí bắt chéo cung tiếp, theo Al-Kayat và Bramley nhánh thái dương cách bờ trước ống tai ngoài (phần xương) khoảng 2cm (từ 0.8 - 3.5cm) (hình 1 - 54).
 
Nhánh thái dương là nhánh thần kinh có liên quan mật thiết với khớp thái
 
dương hàm và dễ bị tổn thương nhất trong khi phẫu thuật khớp. Trường hợp sử dụng đường rạch vòng da đầu trong các phẫu thuật kết hợp xương gò má, phẫu thuật tạo hình ..., nhánh thái dương cũng có khả năng tổn thương nhiều nhất. Trên cơ sở này, Fonseca và Walker đề nghị sử dụng đường rạch cân nông cơ thái dương tạo góc 45o so với cung tiếp từ chân cung tiếp sẽ tránh được nhánh thái dương. Tuy nhiên trên thực tế lâm sàng, không phải lúc nào đường rạch này cũng giúp tránh được tổn thương nhánh thái dương. Do tương quan vị trí bắt chéo giữa nhánh thái dương và cung tiếp có biên độ khá rộng, đường rạch cân nông lại cố định 45o; mặt khác, Al-Kayat và Bramley đã không ghi nhận góc hợp giao giữa nhánh thái dương và cung tiếp. Theo chúng tôi đây có lẽ là nguyên nhân có thể lý giải được những trường hợp tổn thương nhánh thái
 
dương.
 
c.Nhánh má:
 
Theo Chilla, nhánh má có thể xuất phát từ thân chính trên, hoặc thân chính dưới hoặc từ cả 2, rồi nối lại với nhau (hình 1 - 55). Nhánh má liên quan trực tiếp với ống Stenon, và đây là mốc giải phẫu quan trọng để tìm nhánh má.
 
d.Nhánh gò má và nhánh cổ:
 
-Nhánh gò má thường an toàn trong những phẫu thuật vùng hàm mặt, do đó dù nhánh này khá quan trọng, nó vẫn ít được quan tâm.
 
-Nhánh cổ chi phối cơ bám da cổ, không ảnh hưởng đến vấn đề biểu cảm của
 
khuôn mặt.

Không có đánh giá nào cho sản phẩm này.

Viết đánh giá

Chú ý: Không sử dụng các định dạng HTML!
    Chưa tốt           Tốt

Sản phẩm Liên quan (4)

© Copyright 2019-2024 Big Dental.

Đăng ký nhận tin

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được các thông báo về khuyến mại, chương trình giảm giá của chúng tôi

Địa chỉ

Big Dental

Dr San