NHỮNG THAY ĐỔI HÓA HỌC Ở BỀ MẶT MEN
Những hiểu biết về cấu trúc và tính chất của men được ứng dụng trực tiếp
trong các biện pháp điều trị và phòng ngừa sâu răng: đặt sealant, trám composite,
dán những khí cụ chỉnh hình lên răng...
1. Ứng dụng trong phòng ngừa sâu răng
Dùng Fluor tại chỗ trên men làm tăng nhanh nồng độ Fluor ở men bề mặt,
nhờ đó cung cấp thêm nguồn dự trữ Fluor vốn không bền (nguồn Fluor này liên
tục bị hòa tan vào môi trường miệng và mất đi qua sự mài mòn và ăn mòn). Việc
sử dụng Fluor tại chỗ tạo ra một lượng Fluor ổn định, có tác dụng trong một thời
gian dài.
Do men của răng mới mọc còn xốp và trưởng thành tương đối nhanh trong
miệng nên cơ hội đầu tiên và tốt nhất để dùng Fluor tại chỗ là trong khi và ngay
sau khi răng mọc. Men răng chưa trưởng thành hấp thu Fluor nhiều và nhanh hơn
men đã trưởng thành có cấu trúc tinh thể dày đặc.
Các dung dịch Fluor có tính acid (pH 3-5), vô cơ (NaF, Phosphofluoride) hay
hữu cơ (amine fluoride), khi dùng ở nồng độ tương đối cao (trên 100ppm) trên bề
mặt men không có mảng bám, làm tan một lớp tinh thể dày vài micron và kết hợp
với các ion calci và phosphate tự do để tạo thành calcium fluoride và dicalcium
phosphate, lắng đọng thành một lớp mỏng giàu Fluor trên bề mặt. 90% của lớp bề
mặt này bị hòa tan vào dịch miệng trong vài ngày. Chỉ có một phần nhỏ của Fuor
tại chỗ có thể khuếch tán vào men sâu hơn, ở đó nó làm tăng nồng độ Fluor gắn
kết vào các tinh thể bằng cách thay thế nhóm OH của hydroxyapatite.
Có thể làm tăng hấp thu Fluor bằng cách xử lý men trước với acid
phosphoric, xoi mòn và làm nhám bề mặt men. Nếu phủ lên bề mặt men không có
mảng bám bằng vecni có Fluor, nó có thể hấp thu 1000ppm Fluor đến độ sâu 1,5µ,
nhưng sau khi dùng kem đánh răng có Fluor thì men hấp thu ít Fluor hơn.
2. Ứng dụng trong kỹ thuật dán (Diedrich. P., 1981; Dijkman, A.G.,
1983; …)
Việc trám bít hố rãnh bằng sealant, làm mặt dán sứ, trám composite và gắn các khí
cụ chỉnh nha lên bề mặt men bằng resin đòi hỏi những vật liệu này phải được làm
sao cho bám dính vào bề mặt men (chúng vốn không bám dính vật lý hay hóa học
với tinh thể hydroxyapatite hay với các chất thâm nhiễm hữu cơ như màng nước
bọt thụ đắc, mảng bám… của bề mặt men). Một mối dán như vậy giữa resin nhân
tạo và cấu trúc tinh thể của men không thể có được trên bề mặt men tự nhiên đã
trưởng thành và tương đối nhẵn. Tuy nhiên nếu một lớp men mỏng 5-60µ bị phân
hủy bằng phương pháp hóa học với acid phosphoric hay acid perchloric (kỹ thuật
xoi mòn) thì tạo nên một bề mặt thô nhám và có những lỗ nhỏ khi quan sát dưới
kính hiển vi. Độ dày của lớp men bị phân hủy theo cách này tùy thuộc vào thời
gian dùng acid, còn tốc độ hòa tan phụ thuộc vào nồng độ acid. Lượng men bị
phân hủy cũng chịu ảnh hưởng của hàm lượng Fluor. Hàm lượng Fluor trong men
càng cao thì lớp men bị phân hủy càng mỏng và mối nối càng yếu. Điều này đặc
biệt đúng khi xử lý bằng acid những bề mặt men giàu Fluor tự nhiên hay nhân tạo
do sự đề kháng với acid.
Bề mặt của men đã xử lý bị thô nhám do các phần trung tâm và xung quanh của
trụ men bị phân hủy, tạo thành những chỗ lõm dạng lòng chảo hay móng ngựa sắp
xếp thành cấu trúc tổ ong, hàng rào hay phẳng và hạt. Kiểu cấu trúc phụ thuộc vào
hướng và sự sắp xếp của các trụ men, sắp xếp và mật độ các tinh thể của trụ, nồng
độ ion H+ trong acid và thời gian dùng acid. Kiểu mẫu của bề mặt xoi mòn trên
những bề mặt lớn rất thay đổi và không biết trước được. Nó thay đổi từ vùng này
sang vùng khác và từ bề mặt này sang bề mặt khác trên cùng một răng. Do đó, xoi
mòn men bằng acid tạo ra độ sâu khác nhau, đủ cho một mối dán vi thể xen giữa
men và resin (vi lưu cơ học); các đuôi resin có thể đi tới độ sâu 20-80µ.
Kỹ thuật xoi mòn có bất lợi chủ yếu là bề mặt bị xoi mòn thường lớn hơn bề mặt
dán cần thiết. Khi một bề mặt men bị xoi mòn không được bao phủ bởi resin, các
lõm vi thể sẽ được bao phủ và lấp đầy dần, trước hết là bởi nước bọt, sau đó là
màng thụ đắc từ nước bọt và cuối cùng là vi khuẩn. Thậm chí chạm nhẹ ngón tay
lên bề mặt này cũng có thể phá hủy hoàn toàn và làm phẳng cấu trúc xoi mòn. Do
đó một bề mặt đã xoi mòn còn lộ ra sẽ bị thay đổi nhanh chóng bởi sự mài mòn cơ
học do bàn chải, ăn nhai…. Khi cấu trúc xoi mòn bị mài mòn, các chỗ trống được
lấp đầy bằng các tinh thể lắng đọng và có thể bằng vôi răng. Thậm chí đến 4 tháng
sau khi xoi mòn, các vết thay đổi trên bề mặt vẫn còn nhìn thấy. Không thể có sự
tái khóang hóa để tạo lại bề mặt men tự nhiên, mặc dù bề mặt men bị xoi mòn
nhanh chóng hấp thu một lượng lớn F.
Kỹ thuật xoi mòn để dán khí cụ chỉnh nha còn có bất lợi hơn vì các mắc cài sẽ
được lấy ra sau một thời gian. Việc dán mắc cài không tạo ra một bề mặt chuyển
tiếp nhẵn giữa resin và men, mà tạo thành những mặt gãy giữa men và resin hay
giữa mắc cài và resin. Cấu trúc xoi mòn và mối nối càng mạnh thì phần bề mặt
men càng dễ bị tách ra sâu đến 100µ, gãy dọc theo đường Retzius khi tháo mắc
cài. Thậm chí có thể thấy những vùng này bằng mắt thường. Bề mặt men càng bị
thay đổi và bề dày của men răng tiếp tục bị giảm hơn khi hoàn tất bằng các dụng
cụ mài nhẵn và đánh bóng. Ơ vùng cổ răng xung quanh các mắc cài đã dán, là chỗ
khó làm sạch, thường có sang thương sâu răng chớm phát dưới dạng những điểm
trắng trong lúc điều trị chỉnh nha. Tuy nhiên những sang thương này thường không
tiếp tục tiến triển, mà phục hồi dần nhờ sự tái khóang sau khi đã lấy mắc cài ra và
làm sạch răng.
Do những điểm nêu trên và do các tác dụng phụ không mong muốn khác do nha sĩ
gây ra của kỹ thuật xoi mòn, người ta vẫn đang tìm kiếm các hệ thống khác để
thay thế. Hệ thống này có thể gồm việc tạo thành những tinh thể mới từ ion calci
và phosphate được phóng thích trong lúc xoi mòn men và dùng sự lắng đọng của
những tinh thể này làm bề mặt dán. Do đó mối dán vi cơ học của resin là nhờ
những tinh thể lắng đọng hơn là nhờ men bị xoi mòn nên chỉ có những tổn thương
rất nhỏ khi tháo mắc cài.
Xoi mòn cấu trúc men không thể đạt tối ưu khi bề mặt men không có trụ như
trong trường hơp răng mới mọc ở cả răng sữa và răng vĩnh viễn. Vì tất cả tinh thể
trong lớp men 5-100µ là lớp men không trụ, có trục C vuông góc với bề mặt men
nên không thể tạo được cấu trúc xoi mòn điển hình.