1. Không có mối liên hệ trực tiếp giữa tình trạng khớp cắn và chức năng
Trên thực tế, chỉ một số rất ít người có khớp cắn lý tưởng, hầu hết đều có một
khớp cắn “xấu” (malocclusion) về một phương diện nào đó, nhưng có chức năng tốt.
Khả năng thích ứng ở đa số người đủ để những lệch lạc so với lý tưởng vẫn có thể là bình
thường, ổn định và hài hòa.
Pullinger và cộng sự đã nghiên cứu trên 120 nam và 102 nữ khỏe mạnh, tuổi
trung bình là 29. Lồng múi tối đa và tiếp xúc lui sau trùng nhau chiếm 29%. Trong số đó,
60% có tiếp xúc răng cối ở một bên ở vị trí tiếp xúc lui sau. Không có sự liên quan có ý
nghĩa giữa những người có sự trượt trung tâm với có tiếng kêu ở khớp thái dương hàm.
Tương tự, không có sự liên quan giữa tiếng kêu ở khớp thái dương hàm và sự tiếp xúc
răng cối ở 1 bên hàm ở vị trí tiếp xúc lui sau.
Khớp cắn của một người có thể lệch lạc so với những tiêu chuẩn bình thường
nhưng có chức năng tốt, trong khi một số người có khớp cắn với những tương quan hình
thái học tối ưu nhưng lại bị những vấn đề loạn năng hàm dưới. Không có bằng chứng xác
định ảnh hưởng của sự ăn khớp giữa các răng đối với hàm dưới và loạn năng khớp thái
dương hàm là do khả năng thích ứng ở những mức độ khác nhau của hệ thống nhai của
mỗi người và đặc điểm bệnh căn đa yếu tố của rối loạn thái dương hàm (Carlsson).
Nghiên cứu trên bệnh nhân loạn chức năng hàm dưới đã không thể xác định
những rối loạn tiếp xúc mặt nhai đưa đến loạn chức năng khớp thái dương hàm
2.Tiêu chuẩn của khớp cắn sinh lý chức năng
Khớp cắn sinh lý chức năng có các đặc điểm sau:
- Các thành phần của hệ thống nhai hài hòa về hình thái và chức năng, góp phần
ổn định khớp cắn; hàm dưới thực hiện chức năng một cách thoải mái, không đau, không
khó chịu (đau và/hoặc khó chịu là dấu hiệu của loạn chức năng).
- Không có những dấu hiệu thay đổi của hệ thống nhai (do hoạt động cận chức
năng) mang tính đang bị phá hủy: không có sự di lệch hoặc trồi răng, không có lung lay
răng, không có sự dày khoảng dây chằng nha chu, răng không mòn bất thường hay bị
nhạy cảm ngà.
- Hàm dưới vận động dễ dàng, trơn tru, nghĩa là không có cản trở cắn khớp trong
các vận động trượt của hàm dưới.
- Ở “trung tâm”, hàm dưới được tự do tìm đến hoặc được hướng dẫn đến lồng múi
tối đa.
- Không có than phiền về thiếu sức nhai (do mất răng); không bị mỏi cơ, không
đau khớp thái dương hàm.
- Khớp cắn sinh lý cũng thỏa đáng về mặt thẩm mỹ đối với bệnh nhân.
Như vậy, người có khớp cắn sinh lý chức năng không có nhu cầu điều trị.
3. Sự ổn định khớp cắn
Trên bộ răng tự nhiên, sự ổn định khớp cắn phụ thuộc vào tất cả các lực tác động
lên răng. Có thể nêu tóm tắt các lực, bao gồm các lực do thực hiện chức năng, gồm:
- Lực của hệ thống môi-má-lưỡi,
- Các thói quen chức năng và cận chức năng,
- Sự toàn vẹn của răng và nha chu về mặt hình thái theo nghĩa rộng của từ này,
- Tình trạng và sự phối hợp hoạt động của các cơ hàm,
- Tình trạng khớp thái dương hàm.
Không thể mô tả một cách chính xác các lực gây mất ổn định khớp cắn: các răng
thực hiện việc điều chỉnh vị trí trong suốt đời sống để đáp ứng với những thay đổi tự
nhiên của lực nhai liên quan đến mòn răng; đáp ứng với những thay đổi bệnh lý nha chu
hoặc trương lực cơ, cũng như các phục hồi, phục hình và các thủ thuật nha khoa khác.
Hình mẫu lực tác động lên răng phức tạp hơn nhiều so với các cách phân tích lực thường
được sử dụng trong vật lý học. Tuy nhiên, trong khả năng thích ứng của hệ thống nhai, sự
cân bằng lực vẫn được duy trì. (Các lực vừa được nêu trên đã hoặc sẽ được đề cập trong
những bài chuyên biệt)