1. Định nghĩa
Khớp cắn lý tưởng là khớp cắn có tương quan răng-răng đúng theo mô tả lý
thuyết, bộ răng có quan hệ giải phẫu và chức năng hài hòa với các cấu trúc khác của hệ
thống nhai, tất cả trong tình trạng lý tưởng.
Trước đây, khớp cắn thường được gọi là là lý tưởng khi về mặt giải phẫu, nó có
tương quan răng-răng, múi trũng đúng theo mô tả lý tưởng (xem Đặc điểm sự ăn khớp lý
tưởng của bộ răng sữa - trang 40 và bộ răng vĩnh viễn - trang 48) (Hình 3-17). Nhưng
như vậy, mới chỉ dựa trên những quan niệm định hướng theo răng mà không quan tâm
đến các thành phần khác của hệ thống nhai.
Về mặt thực hành, khớp cắn lý tưởng là mục tiêu lý thuyết mong muốn đạt đến,
không tính đến khả năng điều trị thực tế.
2. Đặc điểm của khớp cắn lý tưởng
2.1. Khớp thái dương hàm có chức năng tối ưu
Một khớp cắn lý tưởng phải cho thấy khớp thái dương hàm ở vị trí chức năng tối
ưu khi các răng ở lồng múi tối đa: Vị trí lồi cầu tối ưu (trùng hoặc gần trùng với vị trí
tương quan trung tâm) với các lồi cầu bình thường về cấu trúc, tựa vào đĩa khớp có cấu
trúc và vị trí bình thường, đĩa khớp tựa mặt lõm vào lồi khớp theo hướng trước trên và
với hoạt động cơ tối ưu cũng như với sự ổn định tối đa về cắn khớp (Mc. Neil).
2.2. Khớp cắn trung tâm trùng với lồng múi tối đa
Khớp cắn trung tâm (CO = Centric Occlusion) được định nghĩa là “ Sự ăn khớp
của các răng khi hàm dưới ở tương quan trung tâm”; trên đại đa số người bình thường,
khớp cắn trung tâm thường không trùng với vị trí lồng múi tối đa. Ở một khớp cắn lý
tưởng, khớp cắn trung tâm trùng với vị trí lồng múi tối đa; nói cách khác, ở khớp cắn lý
tưởng, lồng múi tối đa diễn ra khi hàm dưới ở tương quan trung tâm.
Đây là định nghĩa “bình thường” theo trường phái hàm học, trong trường
hợp có tương quan tối ưu giữa hai hàm. Cần chú ý khớp cắn trung tâm là vị trí
răng hướng dẫn, lồi cầu không quyết định vị trí các răng (xem chương 4 và
chương 6). Khớp cắn lý tưởng là một khớp cắn ổn định, không có biểu hiện nào
về sự thay đổi vị trí của răng hay mô nha chu. Răng được sắp xếp trên cung hàm
sao cho lực nhai được hướng theo trục của răng càng nhiều càng tốt, không có
chuyển động sang bên do lực xoắn. Sự sắp xếp của cung răng là kết quả của các
lực từ các cơ quan xung quanh, đặc biệt là hệ thống môi-má-lưỡi, tác động lên bộ
răng từ mọi hướng.
Ở khớp cắn trung tâm, các răng sau phải có sự tiếp xúc đồng thời và cân bằng hai
bên, các răng trước chỉ tiếp xúc nhẹ. Tương quan này cho phép sự ổn định tối đa đối với
khớp thái dương hàm và giảm tối đa lực nhai lên mỗi răng. Như vậy, ở khớp cắn trung
tâm, răng sau giữ ổn định các tiếp xúc răng và hàm.
2.3. Có sự bảo vệ lẫn nhau giữa răng trước và răng sau
Các răng sau được sắp xếp sao cho nó chịu được lực nhai theo chiều dọc. Ngược
lại, các răng trước nghiêng về phía môi, không thích ứng để chịu lực theo chiều thẳng
đứng. Như vậy các răng sau giúp bảo vệ các răng trước tránh được các lực chức năng
quá mức theo chiều thẳng đứng khi nhai, ngược lại, các răng trước duy trì sự tiếp xúc nhẹ
ở khớp cắn trung tâm. Trong vận động tiếp xúc ra trước và trước bên, các răng sau nhả
khớp do hướng dẫn của các răng trước.
Các răng trước hướng dẫn hàm dưới trong vận động ra trước và trước bên: trong
vận động ra trước, các răng cửa tiếp xúc và hướng dẫn (hướng dẫn răng cửa), các răng
sau nhả khớp (Hình 3-18). Trong chuyển động trước bên, răng nanh gây nhả khớp tất cả
các răng sau (hướng dẫn răng nanh) (Hình 3-19). Hướng dẫn răng nanh và răng cửa được
gọi chung là hướng dẫn trước. Như vậy, khi thực hiện vận động ra trước và trước bên,
các răng trước hướng dẫn hàm dưới làm nhả khớp và bảo vệ các răng sau khỏi các lực
tác động theo chiều ngang.
Do các răng trước xa các cơ nâng hàm hơn các răng sau nên áp lực đặt
lên vùng răng trước ít hơn. Như vậy các răng trước thụ cảm những lực ngang
trong các chuyển động lệch tâm của hàm dưới tốt hơn, những lực này tác động có
hại cho các răng sau. Đặc biệt răng nanh có cấu trúc xương và tỷ lệ thân/chân
răng thích hợp nhất để chịu những lực ngang. Qua nghiên cứu Williamson, các
cơ nhai có giảm hoạt động khi các răng sau nhả khớp trong chuyển động ra trước
và sang bên.
Rugh và cộng sự cũng ghi nhận điều này cũng diễn ra với hướng dẫn răng cối.
Dường như sự tiếp xúc trên một răng là một thuận lợi, như một hướng dẫn cho
cử động sang bên (ngược với sự tiếp xúc trên nhiều răng ).
Một khớp cắn lý tưởng là khớp cắn có được sự “bảo vệ lẫn nhau” của các răng
trước và răng sau.
2.4. Chức năng hệ thống nhai tối ưu
Một đòi hỏi đối với khớp cắn lý tưởng là đạt được chức năng tối ưu. Hệ thống
nhai gắn liền với các chức năng phát âm, nhai, nuốt… Vị trí các răng phải đảm bảo cho
các chức năng này. Thí dụ: các răng cửa trên phải cho phép sự tiếp xúc bờ cắn với
“đường khô – ướt” của môi dưới để phát âm rõ các âm /f/ hay /v/; các răng cửa trên và
dưới phải có tương quan tiếp xúc đối đầu nhau để cắt thức ăn tốt. Lực tác động trên các
răng sau được hướng theo trục răng để việc nhai nghiền thức ăn được hiệu quả.
Người có “khớp cắn lý tưởng” phải cảm thấy một sự ổn định, hoàn toàn thoải mái,
không đau, không khó chịu do tình trạng hoạt động của hệ thống nhai và trong giao tiếp
(yếu tố thẩm mỹ).
Trên cơ sở các nghiên cứu về lâm sàng và điện cơ đồ, có thể kết luận rằng những điều
tiên quyết cho một khớp cắn lý tưởng là:
1. Tương quan cắn khớp hài hòa và ổn định ở tương quan trung tâm cũng như trong
đoạn giữa tương quan trung tâm và khớp cắn trung tâm.
2. Thuận lợi trong các vận động trượt sang bên và ra trước.
3. Các lực nhai thuận lợi nhất đối với sự ổn định răng.
4. Không có những yếu tố có khuynh hướng gây mất ổn định.
Mặc dù quan niệm về khớp cắn như trên làm cho nhà lâm sàng có thể giúp những
bệnh nhân có mức chịu đựng thấp đối với sự không hoàn hảo của khớp cắn hay những
người bị viêm nha chu tiến triển; nhưng không có nghĩa một “lý tưởng” như thế phải
được áp đặt lên bất kỳ bệnh nhân nào có khớp cắn chức năng và mô nha chu lành mạnh
(Ash)