Hầu hết mọi người đều có khớp cắn lệch lạc so với khớp cắn lý tưởng. Tuy vậy,
đa số cũng đều có khả năng thích ứng với sự lệch lạc và thực hiện chức năng tốt mà
không bị những dấu hiệu hay triệu chứng nào của loạn chức năng.
Những dấu hiệu và triệu chứng của lọan năng hệ thống nhai chủ yếu thể hiện trên
ba thành phần: hệ thống cơ-thần kinh, các khớp thái dương hàm, răng và cấu trúc nâng
đỡ. Loạn chức năng ở răng và nha chu thể hiện khá phong phú, tùy thuộc vào nguyên
nhân gây ra, sẽ được đề cập trong một tập sách khác. Vấn đề họat động cận chức năng sẽ
được trình bày trong một bài riêng.
Về mặt “khớp cắn” theo nghĩa đối chiếu với bộ răng và hình thái ăn khớp lý
tưởng, biểu hiện của tình trạng loạn chức năng ở răng và nha chu như răng lung lay, di
lệch, mòn mặt nhai, nứt gãy, nhạy cảm… phản ánh tình trạng rối loạn chức năng do vượt
quá khả năng thích ứng của răng và mô nha chu. Những dấu hiệu và triệu chứng như vậy
không bắt nguồn từ đặc điểm cấu trúc của bộ răng mà là do việc “sử dụng khớp cắn” như
thế nào ở mỗi người, thường là do các thói quen cận chức năng: nghiến, siết chặt răng
vốn khá phổ biến trong cộng đồng (Mohl). Do đó, thuật ngữ “khớp cắn không sinh lý”
không ngụ ý chỉ nguyên nhân và kết quả, cũng không phải là một bệnh. Khớp cắn không
sinh lý là tình trạng có vấn đề về quan hệ giữa hai hàm hoặc có chức năng không được
đảm bảo và cần được điều trị.