GIẢI PHẪU VÙNG HỐC MẮT

Download
GIẢI PHẪU VÙNG HỐC MẮT
 
Trong phần giải phẫu định khu hốc mắt này chỉ trình bày những đặc điểm giải phẫu liên quan trong chấn thương hàm mặt như cấu tạo hốc mắt xương, các cơ vận nhãn,
 
thần kinh và mạch máu. Nhãn cầu và bộ lệ mặc dù nằm trong hốc mắt nhưng là một cấu trúc đặc biệt thuộc phạm vi chuyên khoa mắt nên không được trình bày ở đây.
 
1.HỐC MẮT
 
Hốc mắt có dạng hình tháp, đáy phía trước, đỉnh hướng về phía sau và 4 thành: thành trên, thành dưới, thành trong và thành ngoài. Hốc mắt cấu tạo bởi các xương : xương trán, xương gò má, xương hàm trên, xương lệ, xương sàng, xương bướm và
 
xương khấu cái (hình 1 - 63).
 
Thành trong cấu tạo bởi mảnh giấy xương sàng, xương lệ, xương khấu cái và nhánh lên xương hàm trên. Thành trong gần song song với mặt phẳng dọc giữa và mỏng nhất trong các thành hốc mắt. Thành ngoài cấu tạo bởi xương trán, xương gò má và cánh lớn xương bướm, trong đó chủ yếu là xương gò má. Thành ngoài tạo với mặt phẳng dọc giữa một góc khoảng 45o . Thành trên hay trần ổ mắt chủ yếu cấu tạo bởi xương trán phía trước và xương bướm phía sau. Tại vùng nối thành trong và thành trên có cấu trúc ròng rọc cách bờ ổ mắt khoảng 4mm là nơi gân cơ chéo trên đi qua. Trong phẫu thuật thành trong ổ mắt cần chú ý không được làm tổn thương cấu trúc này. Tại bờ trên ổ mắt còn có lỗ trên ròng rọc và lỗ trên ổ mắt cho thần kinh cùng tên đi qua. Thành dưới hay sàn ổ mắt là trần xoang hàm tương đối mỏng. Trong thành dưới còn có bó mạch thần kinh dưới ổ mắt đi qua trong rãnh dưới ổ mắt. Đây là cấu trúc cần quan tâm khi phẫu tích vào sàn ổ mắt để giải phóng cơ vận nhãn bị kẹt vào đường gãy hoặc tái tạo sàn ổ mắt.
 
Các tổ chức bên trong hốc mắt ngăn cách với cơ vòng mi và tổ chức phần mềm bên ngoài bởi vách ổ mắt (orbital septum). Vách ổ mắt liên tục với màng xương quanh bờ hốc mắt và không được làm tổn thương vách ổ mắt khi can thiệp bờ dưới ổ mắt hay sàn ổ mắt. Khi phẫu tích qua da, tổ chức dưới da và cơ vòng mi đến vách ổ mắt, không được đi qua vách ổ mắt mà phải đi dọc theo vách dưới ổ mắt đến màng xương mới được rạch để vào bờ dưới ổ mắt. Tuy nhiên trong trường hợp cấp cứu tụ máu hậu nhãn cầu, để tránh tổn thương thần kinh thị có thể phải rạch vách ổ mắt để giải áp.
 
2.CÁC CƠ MI MẮT
 
Cơ vòng mắt
 
Cơ vòng mắt gồm 3 phần : phần ổ mắt, phần mi và phần lệ (hình 1 - 64). Phần ổ mắt từ bờ trong ổ mắt uốn quanh mi trên rồi vòng xuống uốn quanh mi dưới đến dây chằng mi mắt trong. Phần mi có nguyên ủy từ dây chằng mi mắt trong và liên kết nhau thành đường giữa mi mắt ngoài bám vào củ Whitnall (là phần lồi xương phía mặt trong thành ngoài ổ mắt). Phần lệ bám từ xương lệ đến mặt trong mi trên và mi dưới. Cơ vòng mi chi phối bởi nhánh thái dương và nhánh gò má thần kinh VII. Tổn thương nhánh này sẽ dẫn đến dấu hiệu mắt nhắm không kín.
 
Cơ nâng mi trên
 
Cơ nâng mi trên là cơ đối vận của cơ vòng mi, có nguyên ủy từ cánh nhỏ xương bướm, đi trên cơ thẳng trên đến mi trên bám vào sụn mi và toả vào da mi mắt trên. Thần kinh chi phối là thần kinh vận nhãn chung hay thần kinh III.
 
3.CÁC CƠ VẬN NHÃN
 
Các cơ thăng
 
Các cơ thẳng gồm cơ thẳng trên, cơ thẳng dưới, cơ thẳng ngoài và cơ thẳng trong. Các cơ này có nguyên ủy từ một vòng gân chung nằm xung quanh lỗ thị và một phần khe ổ mắt trên, sau đó đi ra trước bám vào củng mạc, cách bờ giác mạc khoảng 6mm. Hai cơ thẳng ngoài và trong nằm trên mặt phẳng ngang, còn cơ thẳng trên và thẳng dưới nằm trong mặt phẳng đứng dọc. Các cơ chi phối bởi thần kinh III, trừ cơ thẳng ngoài chi phối bởi thần kinh VI.
 
Các cơ này tạo thành nón cơ xung quanh thần kinh thị nhằm mục đích bảo vệ thần kinh thị (hình 1 - 65). Tuy nhiên trong trường hợp xuất huyết hậu nhãn cầu, chính cấu trúc nón cơ này tạo nên hội chứng chèn ép khoang (compartment syndrome) gây tổn thương thần kinh thị.
 
Các cơ chéo
 
Cơ chéo trên có nguyên ủy từ xương bướm, phía trên ống thị, nằm trên và trong cơ thẳng trên. Cơ đi ra trước giữa thành trên và trong, chui qua một vòng xơ sụn gọi là ròng rọc (giữa thành trong & trên) hướng ra ngoài, sau và xuống dưới bám vào phần sau ngoài củng mạc. Thần kinh chi phối là thần kinh IV.
 
Cơ chéo dưới là một cơ mỏng, có nguyên ủy từ sàn ổ mắt, phía ngoài rãnh lệ. Cơ này đi dưới cơ thẳng dưới ra trước và ngoài, sau đó uốn cong lên trên bám vào phần sau ngoài củng mạc. Thần kinh chi phối là thần kinh III.
 
Động tác các cơ vận nhãn có thể tóm tắt trong bảng sau :
 
Khi khám tình trạng song thị, động tác của các cơ vận nhãn là cơ sở để đánh
 
giá các cơ bị tổn thương. Khi đánh giá vận động các cơ vận nhãn, lưu ý tình trạng kẹt cơ và liệt cơ đối vận có triệu chứng giống nhau, ví dụ liệt cơ thẳng trên và kẹt cơ thẳng dưới đều có triệu chứng song thị khi nhìn lên. Để phân biệt nguyên nhân phải dựa vào thử nghiệm cưỡng bức cơ mới phân biệt được (thử nghiệm cưỡng bức cơ sẽ được trình bày trong phần khám lâm sàng chấn thương hàm mặt).
 
4.DÂY CHẰNG MI MẮT
 
Dây chằng mi mắt là những dải xơ mà chức năng là để cố định mi mắt theo chiều ngang.
 
Dây chằng mi trong tạo nên bởi sự sát nhập của đầu trong sụn mi trên và dưới kéo dài bám vào thành trong ổ mắt. Dây chằng mi trong gồm hai phần : phần nông và phần sâu. Phần nông lớn hơn, bám mào lệ trước và bao cân túi lệ. Phần sâu nhỏ hơn bám vào mào lệ sau (hình 1 - 66).
 
Dây chằng mi ngoài không phát triển, tạo bởi sự nối tiếp các đầu sụn phía ngoài. Nó bám vào củ Witnall nằm hơi sau bờ ngoài ổ mắt.
 
Sự di lệch của thành trong hoặc thành ngoài ổ mắt có thể dẫn đến di lệch dây chằng mi trong lệch xuống dưới kiểu Mông cổ (monggoloid eye) (hình 1 - 67) hoặc dây chằng mi ngoài xuống dưới kiểu ngược Mông cổ (antimonggoloid eye) (hình 1 - 68). Dây chằng trong khi đứt sẽ dẫn đến di lệch nhãn cầu dang xa (telecanthus) (hình 1 - 69).
 
5.MẠCH MÁU
 
Động mạch nuôi dưỡng vùng hốc mắt là động mạch mắt, nhánh của động mạch cảnh trong. Động mạch mắt đi vào ổ mắt cùng với thần kinh thị qua ống thị. Nhánh bên đầu tiên là động mạch võng mạc trung tâm. Từ phía ngoài, động mạch bắt chéo dưới thần kinh thị vào trong.
 
Trước khi bắt chéo thần kinh thị, động mạch mắt cho các nhánh tuyến lệ vào tuyến lệ, nhánh mi sau dài vào mặt ngoài nhãn cầu. Các nhánh tuyến lệ còn cấp máu cho cơ thẳng ngoài và tận cùng bởi nhánh mi mắt ngoài và nhánh gò má xuyên qua lỗ gò má - thái dương vào hố thái dương.
 
Khi bắt chéo thần kinh thị, động mạch mắt cho nhánh mi sau ngắn vào nhãn cầu và nhánh bờ trên ổ mắt. Nhánh bờ trên ổ mắt cho các nhánh vào cơ thẳng trên chéo trên và cơ nâng mi trên rồi đi lên trên với thần kinh cùng tên đi qua lỗ trên ổ mắt.
 
Khi đến gần thành trong, động mạch mắt cho nhánh sàng trước và sàng sau đi qua các ống cùng tên cấp máu cho xoang sàng, xoang trán.
 
Động mạch sàng trước là nhánh bên của động mạch mắt cần quan tâm nhất. Tổn thương động mạch sàng trước có thể gây chảy máu mũi rất khó cầm, nhiều lúc
 
cần phải buộc động mạch này mới cầm máu được. Để buộc động mạch sàng trước, có thể sử dụng đường rạch trực tiếp góc trong mắt sau đó tìm lỗ ống sàng trước, lỗ này cách bờ trong ổ mắt khoảng 1,5cm. Đây là vị trí động mạch đi vào ống sàng trước, thực hiện buộc động mạch ngay tại đây. Đứt động mạch sàng trước cũng có thể gây tụ máu hậu nhãn cầu là một trường hợp cần phẫu thuật cấp cứu, nếu không can thiệp kịp thời có thể gây mù mắt.
 
Nhánh tận của động mạch mắt là động mạch trên ròng rọc và động mạch sống mũi. Động mạch trên ròng rọc đi qua lỗ trên ròng rọc cung cấp máu cho da trán. Động mạch sống mũi đi qua dây chằng trong cấp máu vùng sống mũi và gốc mũi, đồng thời cho nhánh nối với động mạch góc, nhánh của động mạch mặt.
 
6.THẦN KINH
 
Thần kinh thị
 
Thần kinh thị do các sợi trung ương của các tế bào tầng hạch trong lớp võng mạc hội tụ tại đĩa thị giác tạo nên. Từ đĩa thị giác, thần kinh thị đi ra sau qua ống thị đến hố sọ giữa. Trong hốc mắt, thần kinh thị đi trong nón cơ cấu tạo nên bởi các cơ
 
thẳng. Trong chấn thương hàm mặt, thần kinh thị có thể tổn thương trực tiếp bởi các mảnh xương chèn ép hoặc gián tiếp do tụ máu hậu nhãn cầu gây nên. Khi xác định có tụ máu hậu nhãn cầu, giải áp là thủ thuật cấp cứu cần thiết phải thực hiện trong vòng 60 phút tính từ khi chấn thương.
 
Thần kinh vận nhãn
 
Các thần kinh vận nhãn bao gồm thần kinh III, IV và VI. Trong đó, thần kinh IV chi phối cơ chéo trên, thần kinh VI chi phối cơ thẳng ngoài. Các cơ còn lại do thần kinh III chi phối, kể cả cơ nâng mi trên.
 
Các thần kinh này đều chui qua khe ổ mắt trên để vào ổ mắt. Trong trường hợp chấn thương các thần kinh vận nhãn đều có thể cùng tổn thương như trong hội chứng khe ổ mắt trên hay hội chứng đỉnh ổ mắt.

Không có đánh giá nào cho sản phẩm này.

Viết đánh giá

Chú ý: Không sử dụng các định dạng HTML!
    Chưa tốt           Tốt

Sản phẩm Liên quan (4)

© Copyright 2019-2024 Big Dental.

Đăng ký nhận tin

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được các thông báo về khuyến mại, chương trình giảm giá của chúng tôi

Địa chỉ

Big Dental

Dr San