GIẢI PHẪU KHỐI XƯƠNG MẶT-Tầng mặt trên

Download
GIẢI PHẪU KHỐI XƯƠNG MẶT
 
Toàn bộ khối sọ mặt có thể chia làm ba vùng: tầng trên, tầng giữa và tầng dưới. Vùng hàm mặt gồm tầng giữa và tầng dưới khối mặt (hình 1 - 4). Trong tầng trên khối mặt, xương trán có liên quan mật thiết với chấn thương hàm mặt, do đó sẽ được trình bày chung trong giải phẫu tầng mặt giữa.
 
về phương diện hình học, xương hàm dưới từ ngành lên đến mỏm vẹt lồi cầu sẽ nằm trong tầng mặt giữa. Schwenzer dựa trên cơ sở này để phân loại gãy tầng mặt giữa, trong đó gãy gò má - hàm dưới gồm gãy gò má - lồi cầu và gãy gò má -mỏm vẹt thuộc gãy bên tầng mặt giữa. Tuy nhiên xương hàm dưới là một cấu trúc hoàn toàn riêng biệt có những đặc thù về mọi phương diện từ cấu trúc giải phẫu đến bệnh học và điều trị chấn thương. Do đó, xếp xương hàm dưới vào tầng mặt dưới sẽ hợp lý hơn
 
trong việc nghiên cứu và điều trị chấn thương.
 
TẦNG MẶT GIỮA
 
Tầng mặt giữa giới hạn trên bởi một đường ngang nối liền qua hai đường khớp trán - gò má ở hai bên, và khớp trán - hàm trên, trán - mũi ở trung tâm; giới hạn dưới bởi mặt phẳng nhai xương hàm trên; và giới hạn sau bởi khớp bướm sàng kể cả bờ tự do của mảnh chân bướm ở phía dưới.
 
Các xương có thể gãy trong gãy tầng mặt giữa bao gồm : xương hàm trên, xương khẩu cái, xương mũi, xương lệ, xuơng sàng và xương gò má cũng như mỏm gò
 
má xương thái dương. Cánh lớn và cánh nhỏ xương bướm cũng có thể gãy trong
 
những trường hợp gãy tầng mặt giữa.
 
Các xương tầng giữa mặt gồm những xương mỏng nối kết nhau tạo thành một khối với cấu trúc tăng cường gồm những xà ngang nâng đỡ và những trụ dọc (hình 1 - 5a và 1 - 5b). cấu trúc xà - trụ này giúp tăng cường tính vững chắc của tầng mặt giữa đồng thời giúp truyền lực nhai từ hệ thống răng tỏa vào nền sọ trong quá trình thực hiện chức năng nhai.
 
Các xà ngang bao gồm :
 
Xà dưới :khẩu cái và xương ổ răng
 
Xà trên: bờ dưới ổ mắt
 
Các trụ dọc bao gồm:
 
Trụ nanh : đi từ hố nanh lên trên bờ trong hốc mắt nối với xương trán
 
Trụ gò má : xương gò má, nối bờ dưới, bờ ngoài ổ mắt và mỏm gò má xương thái duơng.
 
Trụ bướm : mảnh chân bướm .
 
Giữa các cấu trúc xà và trụ trên là những vùng yếu và các đường gãy trong gãy tầng mặt giữa sẽ phân bố trong những vùng yếu này.
 
Xương hàm trên
 
Xương hàm trên nằm ở vị trí trung tâm khối mặt, gồm hai xuơng nối nhau ở đường giữa. Mỗi xương hàm trên có thân hình tháp, với 4 mỏm: mỏm gò má, mỏm trán, mỏm khấu cái và mỏm huyệt răng (hình 1 - 6). Bên trong xương hàm trên là hốc rỗng: xoang hàm. Thành xoang hàm rất mỏng, nhất là thành trước. Thành trong xoang hàm là vách mũi ngoài. Xoang hàm thông với hốc mũi qua ngách mũi giữa. Thành trên xoang hàm là sàn ổ mắt, thành dưới là mỏm huyệt răng và khấu cái. Xoang hàm không chỉ giúp khối xương hàm nhẹ đi mà còn có tác dụng cộng hưởng âm. Do xoang hàm là hốc rỗng và các xà, trụ tăng cường phân bố quanh xoang hàm, hầu hết chấn thương tầng mặt giữa đều đi qua xoang hàm. Khi xoang hàm tổn thương, dấu hiệu thường nhất là chảy máu mũi, ngoài ra có thể có dấu hiệu tràn khí dưới da do khí từ xoang hàm thoát ra mô dưới da.
 
Mỏm trán xuất phát từ góc trong trên thân xương, tiếp khớp với xương trán tạo thành bờ trong hốc mắt (hình 1 - 6 & 1 - 7). Phía trong mỏm trán tiếp xúc với xương mũi, phía sau tiếp xúc xương lệ, góp phần tạo thành phần trước thành trong hốc mắt. Vùng nối trán - mũi - hàm trên là vùng nhô của khối mặt và thường bị gãy trong chấn thương hàm mặt.
 
Bờ dưới xương hàm trên là mỏm huyệt răng, chứa các răng hàm trên. Trong chấn thương xương hàm trên thường các răng nằm trong phần gãy phía dưới, tách rời với khối xương phía trên gây sai khớp cắn. Đây cũng là chìa khóa trong điều trị gãy xương hàm trên. Xương hàm trên được nắn chỉnh thông qua cố định răng. Trừ trường hợp di lệch nhiều theo chiều trên dưới, cố định liên hàm là phương pháp chủ yếu trong điều trị gãy xương hàm trên.
 
Mỏm khấu cái xương hàm trên nằm ngang và tiếp xúc với mỏm khấu cái đối
 
diện hình thành phần trước khấu cái cứng (hình 1 - 8). Mỏm khấu cái chỉ gãy trong trường hợp gãy dọc xương hàm trên (hình 1 - 9). Gãy dọc xương hàm trên thường là gãy phối hợp với gãy ngang, còn gãy dọc đơn thuần rất hiếm xảy ra. Trong gãy dọc
 
xương hàm trên, đa số niêm mạc thường không tổn thương, lúc này trên lâm sàng chỉ thấy đường tụ máu dọc khấu cái từ trước ra sau, và khi lắc hai nửa xương hàm trên, chúng ta sẽ thấy sự di động không đồng bộ giữa chúng với nhau. Những trường hợp có rách dọc khấu cái thông thường không cần xử trí vì nó sẽ tự lành; chỉ trừ một số
 
trường hợp gãy có di lệch mới cần khâu vết thương niêm mạc khấu cái.
 
Mỏm gò má nằm ở góc trước ngoài xương hàm trên, tiếp khớp xương gò má. Cùng với xương gò má, nó hình thành bờ dưới ổ mắt và phần lớn sàn hốc mắt. Lỗ dưới ổ mắt nằm ở mặt trước của mỏm gò má. Trong chấn thương khối bên tầng mặt giữa
 
(gãy phức hợp gò má) , đường gãy chủ yếu nằm ở xương hàm trên, đi ngang xoang hàm và gây tổn thương nhánh thần kinh V2 thoát ra ở lỗ dưới ổ mắt gây tê vùng má, môi trên, cánh mũi và các răng cửa và cối nhỏ cùng bên. Phẫu thuật nắn chỉnh xương gò má cũng thường được thực hiện qua đường xoang hàm.
 
Các đường gãy xương hàm trên: trong gãy xương hàm trên, chủ yếu là các đường gãy ngang. Các đường gãy này phân bố giữa các xà ngang khối mặt. Phân loại các đường gãy theo Lefort (hình 1 - 10) được sử dụng hầu hết trên thế giới:
 
Gãy Lefort I: Đường gãy ngang toàn bộ xương hàm trên, bao gồm cả phần ba dưới vách mũi, xương khẩu cái và mảnh chân bướm. Tại xương hàm trên,
 
đường gãy đi trên gốc răng.
 
Gãy Lefort II: Đường gãy đi từ xương chính mũi, qua thành trong ổ mắt, xuống thành dưới rồi vòng xuống dưới và ra sau, bao gồm gãy phần ba giữa mảnh đứng xương khẩu cái và chân bướm.
 
Gãy Lefort III: Đường gãy đi sát nền sọ, tách rời toàn bộ khối sọ và khối mặt. Nhìn từ trước, đường gãy đi từ gốc mũi, vào thành trong hết toàn bộ xương sàng đến đầu trong khe ổ mắt trên, đường gãy băng ngang cánh nhỏ xương bướm đến đường nối chân bướm hàm và hố bướm khẩu. Từ đầu ngoài khe ổ mắt dưới, đường gãy đi ra ngoài và lên trên, tách rời cánh lớn xương bướm và xương gò má đến đường nối trán - gò má. Cung tiếp cũng bị gãy, thường là điểm yếu nhất gần đường khớp nối gò má thái dương.
 
Xương gò má
 
Xương gò má nằm ở hai bên khối mặt, tiếp nối xương hàm trên ở phía trước, xương trán ở phía trên, xương thái dương ở phía sau ngoài và cánh lớn xương bướm ở phía sau trong. Xương gò má là một xương đặc rất khỏe, có dạng hình “ghế đẩu” với ba chân chính hình chân vạc tiếp khớp với xương hàm trên, xương trán, xương thái dương và một chân phụ tiếp khớp cánh lớn xương bướm (hình 1 - 11). Mặt trước xương gò má tạo nên phần nhô trên khối mặt. Mặt sau xương gò má là hố dưới thái
 
dương. Mặt sau xương gò má được chọn làm điểm tựa để nắn chỉnh xương gò má
 
trong nhiều trường hợp. Để tiếp cận mặt sau xương gò má có thể sử dụng nhiều đường khác nhau: đường thái dương (hình 1 - 12), đường bờ ngoài hốc mắt (hình 1 - 6), đường trong miệng (hình 1 - 13) hoặc đường tại chỗ (hình 1 - 14).
 
Phần tiếp khớp xương trán là mỏm trán, cùng với mỏm gò má xương trán tạo thành bờ ngoài hốc mắt. Mỏm trán xương gò má rất khỏe và là nơi cố định xương rất
 
tốt trong điều trị phẫu thuật xương gò má.
 
Phần tiếp khớp xương thái dương là mỏm thái dương. Mỏm thái dương tiếp nối với mỏm gò má xương thái dương tạo thành cung tiếp. Khi lực tác động vùng gò má theo chiều trước sau, hướng cung tiếp thường trùng với hướng lực, do đó lực khi truyền dọc theo cung tiếp có thể gây nên nhiều thể gãy cung tiếp phức tạp (hình 1 -
 
. Trường hợp lực vuông góc cung tiếp sẽ gây nên gãy cung tiếp đơn thuần (hình 1 -
 
.
 
Phần tiếp khớp xương hàm trên là mỏm hàm trên. Nó góp phần hình thành bờ dưới ổ mắt ở phía trên và phía dưới tiếp xúc phần ngoài xương hàm trên. Đây là vùng xương dày thường sử dụng để cố định xương trong điều trị gãy phức hợp gò má: cố định xương ở đây được thực hiện bằng cách đặt một bấc (mèche) trong xoang hàm (hình 1 - 17).
 
Dọc bờ dưới xương gò má là nơi bám của cơ cắn. Hướng cơ cắn từ trên xuống dưới và ra sau, góp phần gây di lệch thứ phát xương gò má trong gãy phức hợp gò má. Cơ cắn còn có thể gây tái di lệch xương gò má trong một số trường hợp nếu cố định xương không thích hợp.
 
Xương gò má tiếp khớp với cánh lớn xương bướm ở mặt sau mỏm trán. Do diện tiếp xúc nhỏ và nằm trong sâu nên đường gãy vùng này ít được chú ý trên lâm sàng. Biểu hiện trên phim X quang chỉ là hiện tượng mất đường vô danh, thấy trên phim Waters hoặc Face (hình 1 - 18).
 
Xương mũi
 
Xương mũi là một xương đôi nhỏ, hình chữ nhật. Nó tiếp khớp với xương trán ở phía trên, mỏm trán xương hàm trên ở phía sau và tiếp khớp với nhau ngay đường giữa (hình 1 - 19). Ở phía trên xương mũi tương đối dày còn phía dưới mỏng và gãy xương mũi thường xảy ra ở đây.
 
Trong chấn thương hàm mặt, gãy xương chính mũi luôn kèm theo gãy mỏm trán xương hàm trên. Gãy xương chính mũi có thể gặp trong gãy ngang xương hàm trên (gãy Lefort II, Lefort III), gãy phức hợp mũi - sàng - ổ mắt hoặc là gãy xương mũi đơn thuần.
 
Xương sàng
 
Xương sàng nằm ở trung tâm khối mặt, tham gia tạo thành ổ mũi và ổ mắt. Mảnh thẳng xương sàng bám vào mảnh ngang và tạo thành phần trước trên vách mũi; nó tiếp khớp xương bướm phía sau trên, xương lá mía phía sau dưới và sụn vách mũi phía trước dưới (hình 1 - 20).
 
Mảnh ngang xương sàng khớp với xương trán phía trước ngoài và xương bướm phía sau. Treo dưới mảnh sàng là mê đạo sàng, cấu tạo bởi nhiều phòng khí gọi là
 
xoang sàng. Bên ngoài mê đạo sàng là mảnh xương lớn, mỏng góp phần tạo nên thành trong ổ mắt, gọi là mảnh ổ mắt. Do mảnh này rất mỏng nên còn gọi là xương giấy
 
(hình 1 - 21).
 
Trong chấn thương hàm mặt, can thiệp xương sàng là vấn đề hiếm khi được đặt ra.
 
Xương khâu cái
 
Xương khẩu cái gồm hai xương tiếp khớp nhau ngay đường giữa. Mỗi xương có hình dạng chữ L, gồm mảnh thẳng và mảnh ngang (hình 1 - 22).
 
Mảnh ngang tiếp khớp mỏm khẩu cái xương hàm trên ở phía trước, phía trong tiếp khớp với mảnh ngang xương khẩu cái đối bên ngay đường giữa, tạo thành phần sau khẩu cái cứng. Mảnh ngang xương khẩu cái thường chỉ gãy cùng với mỏm khẩu cái xương hàm trên trong trường hợp gãy dọc xương hàm trên.
 
Mảnh thẳng xương khẩu cái nằm phía sau xương hàm trên, tiếp khớp với mảnh chân bướm ngoài của xương bướm. Mỏm ổ mắt của mảnh thẳng tạo thành một phần sàn ổ mắt phía sau trong. Lỗ bướm khẩu tạo thành bởi sự nối nhau giữa xương bướm và xương khẩu cái. Động mạch bướm khẩu đi qua lỗ bướm khẩu cung cấp máu cho phần sau vách mũi và một phần thành ngoài hốc mũi. Đứt động mạch bướm khẩu cũng gây chảy máu dữ dội khó cầm.
 
Gãy mảnh thẳng xương khẩu cái chỉ xảy ra trong những trường hợp gãy ngang xương hàm trên kiểu Lefort. Những trường hợp gãy xương hàm trên di lệch trầm trọng có thể gây di lệch nhãn cầu là do di lệch mỏm ổ mắt xương khẩu cái.
 
Việc can thiệp phẫu thuật đối với gãy xương khẩu cái hầu như không được đặt ra vì việc nắn chỉnh xương hàm trên sẽ giúp nắn chỉnh đồng thời xương khẩu cái.
 
Xương bướm
 
Xương bướm là một xương đơn nằm ở nền sọ (hình 1 - 23), tiếp khớp với nhiều xương sọ và xương mặt.
 
Đối với các xương sọ, xương bướm tiếp khớp với xương thái dương và xương
 
chẩm, góp phần tạo thành nền sọ. Nó tiếp khớp với xương trán và xương đỉnh để hoàn chỉnh phức hợp sọ.
 
Đối với các xương mặt, xương bướm tiếp khớp xương gò má, xương khẩu cái, xương lá mía, xương sàng và đôi khi cả xương hàm trên ở vùng lồi củ.
 
Xương bướm có thể gãy mảnh chân bướm, cánh nhỏ hoặc cánh lớn trong gãy tầng mặt giữa. Mảnh chân bướm thường gãy nhất, trong tất cả các trường hợp gãy
 
Lefort I, II và III. Cánh nhỏ xương bướm chỉ gãy trong trường hợp gãy Lefort III, còn cánh lớn xương bướm có thể gãy trong trường hợp gãy Lefort III hoặc gãy phức hợp gò má.
 
Cũng như xương khẩu cái và xương sàng, can thiệp phẫu thuật trong gãy xương bướm hầu như không được đặt ra.
 
Xương trán
 
Xương trán là xương sọ, tạo thành phần ba trên của khối sọ mặt. Trong chấn
 
thương hàm mặt, xương trán có một liên quan rất mật thiết. Xương trán khớp với
 
xương gò má phía ngoài và xương mũi, mỏm trán xương hàm trên phía trong. Ở phía dưới, xương trán tiếp khớp với xương sàng, cánh lớn xương bướm; phía sau ngoài xương trán tiếp khớp xương xương đỉnh (hình 1 - 24).
 
Xương trán tạo thành phần lớn trần ổ mắt, và bên ngoài là mỏm gò má rất dày, khớp với xương gò má. Phần dày lên của xương trán phía trước chính là bờ trên ổ mắt. Khuyết hoặc lỗ trên ổ mắt là nơi mạch máu và thần kinh trên ổ mắt đi qua, chi phối vùng trán.
 
Xoang trán nằm trong xương trán ngay vùng giữa, nơi tiếp khớp xương mũi.
 
Khoảng 4% số người không có xoang trán. Xoang trán thông với ổ mũi qua ống mũi trán, ống này đổ vào ngách mũi trên. Thành trước xoang trán mỏng nên có thể gãy khi có lực tác động trực tiếp từ phía trước. Trong những trường hợp gãy phức hợp mũi
 
sàng trán, nếu xương mũi vỡ vụn, có thể dùng thành trước xoang trán để tái tạo xương mũi. Những trường hợp chấn thương hàm mặt, có vỡ xoang trán, cần phải khảo sát qua phim Profil để xem thành sau có tổn thương hay không, nếu thành sau có tổn thương chúng ta nên lưu ý vấn đề sọ não.
 
Trong gãy phức hợp gò má kèm theo gãy lún xương trán khi điều trị phải nắn chỉnh toàn bộ các xương mới có thể mang lại hiệu quả. Trong trường hợp này phải sử dụng đường rạch vòng da đầu, bộc lộ toàn bộ xương trán và xương gò má. Những trường hợp can thiệp sớm kết quả thường khả quan. Những trường hợp muộn, nên có sự phối hợp điều trị với chuyên khoa ngoại thần kinh.

Không có đánh giá nào cho sản phẩm này.

Viết đánh giá

Chú ý: Không sử dụng các định dạng HTML!
    Chưa tốt           Tốt

Sản phẩm Liên quan (4)

© Copyright 2019-2024 Big Dental.

Đăng ký nhận tin

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được các thông báo về khuyến mại, chương trình giảm giá của chúng tôi

Địa chỉ

Big Dental

Dr San