TÁI CẤY GHÉP VÀ CẤY CHUYỂN RĂNG
1. Tái cấy ghép
Tái cấy ghép là đặt trở lại một răng đã được nhổ ra hay bị chấn thương rơi ra
do tai nạn trước đó vào trong xương ổ của nó. Thông thường, răng được điều trị
nội nha trước khi tái cấy ghép
Tái cấy ghép rất hữu dụng trong điều trị mất răng do tai nạn. Nhiều nghiên
cứu trên thú vật và những nạn nhân trẻ đã nêu rõ điều kiện cần thiết để thành công
trong tái cấy ghép răng.
- Hammer (1934) nhận thấy tái cấy ghép răng chỉ thành công nếu vẫn còn
vết tích của mô dây chằng nha chu bám vào xê măng. Nếu chân răng bị
làm sạch bằng dụng cụ, nạo lấy đi một phần hay toàn bộ dây chằng nha
chu thì trong quá trình lành thương, xương mới tạo sẽ dính với chân răng
gây ra cứng khớp; sau vài tháng, chân răng tái cấy ghép sẽ bị tiêu và thân
răng rơi ra (Hamner, J.E., 1970; Serman, P., 1968; Andreasen, J.O., 1981).
Do đó phần dây chằng nha chu còn lại trên răng và trên thành xương ổ
(đặc biệt là những tế bào có chức năng tái tạo), là cực kỳ quan trọng cho
thành công của tái cấy ghép.
- Bình thường sau khi một răng bị nhổ ra, phần dây chằng nha chu còn bám
vào thành xương ổ bị tiêu đi trước khi bắt đầu tạo xương trong hốc răng
(Huebsch, R., 1952; Radden, H., 1959). Do vậy, phần dây chằng nha chu
trên răng rơi ra do chấn thương phải được giữ lại và còn sống để được tái
cấy ghép. Điều này có nghĩa là không được để răng khô khi nó đang nằm
ngoài xương ổ, không tạo lực gây chấn thương trên chân răng và phải tái
cấy ghép càng sớm càng tốt.
- Khoảng thời gian mà dây chằng nha chu và tế bào còn sót lại của nó có thể
sống được trong môi trường ẩm ở ngoài xương ổ thường không lâu hơn 30
phút. Răng được tái cấy ghép sau quá 30 phút sẽ có tỉ lệ thành công thấp
hơn, tỷ lệ với thời gian răng ở ngoài xương ổ.
- Các tế bào của tủy bị tự hủy chỉ trong một thời gian rất ngắn sau khi răng
rời khỏi xương ổ. Chỉ những răng chưa trưởng thành được tái cấy ghép rất
sớm sau khi bị nhổ ra hay rơi ra thì mô tủy đã bị tự huỷ mới được thay thế
bằng mô hạt, việc này diễn ra trong vài tuần. Ngoài mô hạt, sẽ có những tế
bào mới thay thế nguyên bào ngà và tạo ra ngà thứ cấp không điển hình
(Ohmann, A., 1965).
2. Cấy chuyển răng
Cấy chuyển một răng là răng (hoặc mầm răng) được đặt vào trong ổ xương
của một răng khác hay đặt vào một hốc nhân tạo.
Cấy chuyển răng có thể là tự thân hay đồng loại:
- Cấy chuyển tự thân là khi răng (hay mầm răng) được cấy chuyển là của
cùng một người. Ví dụ cấy chuyển tự thân có thể thành công khi một răng
cối lớn thứ ba được chuyển vào xương ổ của một răng cối lớn thứ nhất đã
nhổ trước khi chân răng của răng cối lớn thứ ba tạo thành hoàn toàn nhưng
sau khi đã tạo vùng chẽ. Chiều gần-xa của thân răng cối lớn thứ ba phải
tương ứng với răng cối lớn thứ nhất và răng cấy chuyển không được có tiếp
xúc nhai trong nhiều tuần
- Trong cấy chuyển đồng loại, răng hay mầm răng của một người được
chuyển sang một người khác, và do đó không có cùng kiểu gen. Việc cấy
chuyển đồng loại sẽ khởi phát phản ứng bảo vệ miễn dịch tế bào vì răng và
các tế bào bám trên răng được xem là một vật thể lạ.