NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ DỊCH CHUYỂN RĂNG
1. Dịch chuyển răng sinh lý
Cấu trúc và đặc tính hệ thống sợi của dây chằng nha chu và nướu đảm bảo cho
sự dịch chuyển trong giới hạn sinh lý của mỗi răng đang thực hiện chức năng:
- Hệ thống sợi trên xương ổ, đặc biệt là những sợi ngang vách quyết định xu
hướng di chuyển của từng răng trên cung răng còn đầy đủ răng hoặc trên
cung răng đã mất răng một phần do nhổ răng.
- Các sợi ngang vách liên kết các răng trên cung răng và giữ chúng tiếp xúc
với những răng khác. Những sợi này bị đứt hoặc bị lấy đi do phẫu thuật làm
cho các răng tách rời nhau. Do bệnh lý hoặc do điều trị, những sợi này có
thể khơi mào cho những thay đổi vị trí răng bất thường, ngoài ý muốn.
Nguyên nhân tồn tại khe hở đường giữa có thể là do những sợi ngang vách
không bám từ răng này sang răng kia nhưng lại bám vào đường khớp giữa.
2. Dịch chuyển răng trong bệnh nha chu
Viêm nướu mãn tính, viêm nha chu phá hủy gây ra những hư hoại lớp nông
hoặc sâu ở một bộ phận quan trọng của hệ thống sợi của dây chằng nha chu và
nướu: Răng bị viêm nha chu nặng có thể di chuyển khỏi vị trí ban đầu, hướng
đến phía mà sự bám dính mô liên kết sợi còn tương đối lành hoặc ít bị phá hủy
nhất.
3. Di chuyển răng khi mất răng
- Khi cung răng bị mất một răng, răng đối kháng bị dich chuyển khỏi vị trí chức
năng và di chuyển về phía mặt phẳng nhai (thòng xuống hoặc trồi lên). Nếu
răng này không có răng đối kháng và không chịu lực nhai trong thời gian dài,
cấu trúc và đáp ứng chức năng của hệ thống bám dính có những thay đổi:
khoảng nha chu trở nên hẹp hơn, hệ thống sợi thiểu dưỡng và mật độ sợi
giảm.
- Nếu răng này sau đó thực hiện chức năng như làm trụ cho cầu răng, hệ
thống bám dính lúc đầu không thể chịu được lực chức năng. Bệnh nhân
không thể sử dụng đầy đủ răng này hoặc phục hình này, cho đến khi có
được sự thích nghi và bù đắp.
- Răng ở phía xa răng mất (và cả những răng nằm ở phía gần răng mất) có
xu hướng di gần (hoặc xa) sau khi hốc xương đã lành và sợi ngang vách
được tái lập.
4. Di chuyển răng trong chỉnh hình
- Di chuyển răng do chỉnh hình đòi hỏi mô nha chu khả năng tái cấu trúc
mạnh. Thường thì xương ổ, dây chằng nha chu và xê măng có tiềm năng đáp
ứng với điều này bằng cách tăng hoạt động tế bào, tăng tốc độ tái cấu trúc để
bù đắp nguy cơ tiêu xương. Điều này được duy trì một khi lực chỉnh hình
không vượt quá giới hạn sinh lý. Nếu lực chỉnh hình quá mức, dây chằng
nha chu bị hoại tử, lúc này, cả xê măng lẫn ngà răng thường cũng bị tiêu. Sự
tiêu này có thể tự giới hạn và hoàn nguyên trong trường hợp có sự điều
chỉnh kịp thời; hoặc có thể không hoàn nguyên và dẫn đến ngắn chân răng
và giảm chức năng nâng đỡ răng.
- Cần chú ý chiều cao của nướu khi di chuyển răng cửa hàm dưới trong
chỉnh hình: phía ngoài răng cửa hàm dưới thường bị tụt nướu, còn phía
trong có thể tăng chiều cao nướu (Dorfman, H.F., 1978).
- Nếu răng cần phải xoay nhiều, khả năng tái cấu trúc của hệ thống sợi sẽ
bị vượt quá giới hạn, khi đó răng không còn được giữ về mặt cơ học
nữa, sẽ trở lại vị trí cũ. Trong trường hợp này, hệ thống sợi của nướu
cần được phẫu thuật trước và/hoặc sau khi xoay răng để cho hệ thống
sợi mới được thành lập, bám dính tốt hơn để giữ răng không trở về vị trí
cũ (Reitan, K., 1960; Edward, J.G., 1968; Strahan, J.D., 1970).
- Mọi di chuyển răng do chỉnh hình trước tiên cần sự tiêu phần xương phía
răng di chuyển tới. Hoạt động của tế bào hủy xương tăng lên với sự có mặt
của prostaglandin. Nghiên cứu lâm sàng trên người và linh trưởng cho thấy
tiêm tại chỗ lặp lại prostaglandin E1 trong lúc điều trị làm tốc độ di chuyển
răng tăng gấp 2 lần. Nếu bệnh nhân dùng thuốc loại aspirin hoặc
indomethacin, tốc độ di chuyển răng giảm rõ, vì chất này ngăn chặn sự tổng
hợp tự nhiên của prostaglandin (Waerhaug, J., 1969; Chumbley, A.B.,
1986).